Nữ hành khách bị sàm sỡ trên chuyến xe khách Phương Trang kiên quyết làm tới cùng vụ việc để nhận được lời xin lỗi chính đáng. Người phụ xe và nhà xe Phương Trang phải chịu trách nhiệm gì và vụ việc sẽ có kết quả thế nào?

Vào lúc 21h ngày 5/6 , trên chuyến xe của hãng Phương Trang đi từ Khánh Hoà vào Sài Gòn, một hành khách nữ đã bị nam nhân viên phụ xe (lơ xe) sàm sỡ nhiều lần.

Hai lần sàm sỡ đầu, nữ hành khách sợ hãi và im lặng, nhưng nam nhân viên không hề dừng lại mà tiếp tục thực hiện hành vi sai trái. Đến lần này, nữ hành khách mới la lớn và tố cáo hành vi với mọi người trên xe nhưng không ai trợ giúp hay hỏi han gì.

Hãng xe Phương Trang cũng đã thừa nhận sự việc, nói xin lỗi khi hành khách nữ liên hệ và hứa sẽ xử lý nghiêm. Thông tin gần đây cho biết, nhân viên sàm sỡ hành khách nữ đã bị công ty Phương Trang chấm dứt hợp đồng lao động. Nhưng động thái này khiến nữ hành khách cảm thấy chưa thích đáng. Trả lời báo chí, hành khách nữ khẳng định mình sẽ kiện tới cùng để nhận được lời xin lỗi tử tế.

Thưa luật sư, động thái chấm dứt hợp đồng lao động với nam nhân viên thực hiện hành vi sàm sỡ có phải là hình phạt thích đáng hay không? Với hành động sàm sỡ khách đến tận 2 lần, theo pháp luật người tiếp viên này phải chịu khung hình phạt như thế nào?

L.s Ngô Việt Bắc: Ở góc độ hành nghề, cá nhân tôi cảm thấy hình phạt này chưa tương xứng. Đây là hành vi không những xúc phạm đến danh dự nhân phẩm, làm tổn thất tinh thần của nữ hành khách mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Việc công ty Phương Trang đã sa thải nam nhân viên phụ xe thì đây chỉ là quan hệ hợp đồng lao động giữa công ty và nam thanh niên này. Khi người sử dụng lao động thấy hành vi của người lao động gây thiệt hại đến quyền lợi của doanh nghiệp thì họ có thể căn cứ theo Luật Lao động hoặc Nội quy lao động để sa thải. Nhưng đây chỉ là quan hệ về lao động, còn quan hệ về mặt trách nhiệm của nam nhân viên với nữ hành khách là quan hệ riêng.

Ở góc độ này, nữ hành khách có thể tố cáo lên các cơ quan chức năng của địa bàn mà vụ việc xảy ra. Các cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tuỳ từng mức độ.

Chính vì vậy, việc sa thải này chưa được xem là hình phạt thích đáng cho hành vi mà nam thanh niên này đã gây ra theo quy định của pháp luật.

Nữ hành khách bị sàm sỡ trên chuyến xe khách của công ty Phương Trang và bị sàm sỡ bởi tiếp viên của xe khách Phương Trang. Vậy hãng xe Phương Trang có phải chịu trách nhiệm gì trong vụ việc này không thưa luật sư?

L.s Ngô Việt Bắc: Hành khách đang đi trên xe của công ty Phương Trang tức là đang sử dụng dịch vụ của công ty. Giữa công ty và hành khách đã có sự giao dịch dân sự, hành khách trả tiền mua vé thì công ty ngoài nghĩa vụ hoàn thành công việc theo sự giao dịch này thì còn phải đảm bảo về an ninh, an toàn trong quá trình hành khách sử dụng dịch vụ của mình.

Những hành khách đang trên xe của công ty mà bị chính nhân viên của công ty bằng những hành động, cử chỉ sàm sỡ để xúc phạm thì ngoài nhân viên này phải chịu trách nhiệm thì công ty Phương Trang cũng phải có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm bồi thường về chính hành vi của nhân viên mình gây ra đối với khách hàng.

Hành khách nữ đã khẳng định với báo chí rằng mình sẽ làm thủ tục nhờ pháp luật can thiệp xử lý đến cùng vì chưa nhận được lời xin lỗi tử tế. Với trường hợp cụ thể, có nhân chứng và biết thủ phạm rõ ràng, liệu vụ kiện cáo này của hành khách nữ có thành công không thưa luật sư?

L.s Ngô Việt Bắc: Ở góc độ người bị hại, trong quan hệ dân sự trong trường hợp này nữ hành khách đã bị tổn thất. Đầu tiên là tổn thất về mặt tinh thần, không đi làm hoặc không đi học được.

Nếu hành khách có đủ chứng cứ và có đơn yêu cầu thì Công an sẽ điều tra vụ án. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà nam nhân viên này ngoài nghĩa vụ phải bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định của Bộ luật Dân sự thì sẽ bị xử lý về xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp không chứng minh được thiệt hại, sẽ bị phạt khoảng 10 tháng lương tối thiểu và phải xin lỗi công khai. Ngoài ra, vụ việc còn liên đới đến pháp nhân nên bản thân công ty Phương Trang cũng phải có trách nhiệm xin lỗi với nữ hành khách.

Ở góc độ nghề luật sư, tôi cảm thấy hành vi này chưa đủ để cấu thành trách nhiệm hình sự.

Việt Khuê