Trước tiên Văn phòng chúng tôi xin gửi lời chia buồn cùng với sự chia sẻ chân thành và sâu sắc nhất tới tất cả những gia đình có người thân không may mắn trong cơn đại dịch lần này, bởi nó đến và cướp đi của chúng ta những người thân yêu nhất, để lại cho chúng ta khoảng trống vô định và mênh mông phía trước.

Nhưng, cuộc sống chúng ta cần phải bước tiếp, và trong những bước đi tiếp theo này chắc chắn không tránh khỏi những va đập và vướng mắc về pháp lý mà có lẽ lần đầu tiên chúng ta tiếp cận tới.
1.Điều đầu tiên chúng ta cần làm đó chính là làm sao để có được giấy chứng tử của người thân mình:
Khi người thân không may qua đời ở đâu thì nơi đó sẽ cấp cho gia đình một giấy báo tử (vd: bệnh viện, đơn vị quân đội nơi đóng quân, ubnd phường nơi người chết cư trú…).
Có một số điểm lưu ý là:
– Giấy báo tử phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo dương lịch; địa điểm chết và nguyên nhân chết.
– Thời hạn đăng ký khai tử là 15 ngày kể từ ngày có người chết; thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử, khi đi cần mang theo Căn cước công dân, trong trường hợp chưa được cấp Căn cước công dân thì mang theo CMND + sổ hộ khẩu và nộp tại UBND phường/xã nơi cư trú cuối cùng của người chết.
Nếu giả định trong trường hợp không có giấy chứng tử như trường hợp đối với người chết tại nhà, ở nơi cư trú thì cần có văn bản xác nhận việc chết của người làm chứng thay cho Giấy báo tử. Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về việc chết thì không phải nộp văn bản xác nhận của người làm chứng.
Sau khi người thân nộp đủ hồ sơ thì chờ lấy luôn giấy chứng tử trong ngày, nếu nộp hồ sơ sau 15 giờ thì nhận kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.
2.Gia đình, người thân của người chết giải quyết như thế nào khi bị các chủ nợ cầm giấy nợ lao đến đe dọa buộc phải trả nợ ngay lập tức, nếu không thì đe doạ, hành hung, bắt cóc hoặc cưỡng đoạt tài sản? Tiếp đó có thể là ngân hàng đe doạ siết tài sản để trả nợ khoản vay, rồi các khoản nợ vay từ các app…
Điều đầu tiên là gia đình cần phải bình tĩnh, cứ đón tiếp họ (vì chúng ta không tiếp thì họ cũng đã đến). Người mất thì cũng đã mất rồi, vậy tất cả (chủ nợ) họ đến đòi là đòi ta trả hay đòi tài sản của người chết để lại? Câu trả lời là đòi tài sản của người chết để lại (hay còn gọi là di sản) nhằm bù trừ lại số tiền mà người chết trước đó đã vay, đã mượn. Vậy giả thiết đặt ra là nếu người chết không có di sản để lại thì chúng ta có nghĩa vụ trả món nợ đó không? Câu trả lời chắc chắn là không?
Tiếp theo, nếu người chết để lại di sản thì xử lý như thế nào?
Thứ nhất: yêu cầu chủ nợ trình ra giấy nợ bản chính (nhất định phải là giấy nợ hoặc hợp đồng vay nợ bản chính), có chữ ký hoặc lăn tay của người thân mình, sau đó thì đề nghị họ photo hoặc cho mình chụp hình gửi lại.
Thứ hai: gia đình hoặc bất kỳ người thân của người chết không được ký vào bất cứ văn bản giấy tờ nào của các chủ nợ trình ra. Vd như: cam kết trả nợ, khất nợ, thoả thuận hoàn trả,v.v… Nhớ là nhất định không được ký!
Thứ ba: hẹn ngày kéo giãn thời gian để lên phương án xử lý hoặc hoàn trả.
Thứ ba: nếu chủ nợ hung hãn bằng mọi giá muốn siết nhà, siết tài sản, đồ đạc thì giải pháp là gọi ngay cho công an phường can thiệp, nếu không nhớ số thì cứ ấn tổng đài 113, sau đó cố gắng la lối tìm mọi cách cản trở hoặc đập gõ vào thau chậu nồi niêu nhằm thu hút sự chú ý của hàng xóm, nếu chúng ta gây được sự chú ý thì kể chủ nợ hung hãn cũng chùn bước rút êm, vì họ chỉ muốn lấy tiền chứ không muốn ngồi tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
3.Giải quyết như thế nào đối với khối di sản để lại như sổ tiết kiệm, nhà, đất, xe cộ, cổ phần cổ phiếu tiền vàng do người chết để lại
Như vậy chúng ta sẽ có hai loại di sản để lại, một loại ghi danh như (nhà đất, xe cộ, sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận cổ phần…) và loại không ghi danh như (tiền bạc, vòng vàng, đồ cổ, vật dụng…)
Và bước tiếp theo chúng ta cần phải làm gì?
Xin phép được trả lời luôn, đó là chúng ta cần tìm xem người thân vừa mất của chúng ta có để lại bản di chúc một phần hay toàn bộ di sản nói trên cho bất kỳ ai không? Nếu có di chúc thì cứ theo nội dung bản di chúc để thực hiện.
Trong trường hợp không có di chúc thì chia theo pháp luật. Vậy ai là người được hưởng thừa kế theo pháp luật khối di sản đó? Xin phép được trả lời luôn là: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi (nếu có) của người chết; vợ, chồng (còn hôn thú) và con đẻ, con nuôi của người chết. Nếu không có bất kỳ ai trong những người này thì chuyển qua hàng thừa kế thứ hai.
Vậy bước tiếp theo xử lý như thế nào đối với khối di sản này đây?
Thứ nhất: đối với những di sản không ghi danh thì chúng ta có thể phân chia ngay mà không cần phải thông qua thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
Thứ hai: đối với những di sản ghi danh thì bắt buộc chúng ta phải thông qua thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Trong trường hợp di sản ở nhiều nơi, hoặc có những loại di sản có thể khai nhận được liền thì chúng ta nên chọn và khai nhận những di sản dễ trước.
Tôi ví dụ, di sản gồm 2 sổ tiết kiệm 3 tỷ, và 4 sổ hồng của 4 căn nhà trị giá tầm 20 tỷ, hợp đồng góp vốn 1 tỷ…. thì chúng ta sẽ thấy hai sổ tiết kiệm nếu khai nhận thì thủ tục sẽ nhanh chóng nhất. Bởi sau khi tường trình về quan hệ nhân thân và niêm yết tại UBND phường nơi cư trú cuối cùng của người chết thì sau 15 ngày niêm yết chúng ta có thể ký vào bản thoả thuận phân chia di sản, sau khi ký xong văn bản này chúng ta cầm đi cùng sổ tiết kiệm tới nhà băng là có thể rút tiền từ sổ tiết kiệm để chi trả cho chủ nợ, phần còn lại nếu có sẽ chia cho các đồng thừa kế, theo thoả thuận.
Còn nếu chúng ta lựa chọn phương án làm văn bản phân chia cùng một lúc nhiều loại di sản khác thì phải gom rất nhiều giấy tờ và nếu không may thiếu sót cũng khiến cho thời gian bị ngưng trệ, kéo dài.
Còn chọn giải pháp lấy tiền từ sổ tiết kiệm trước phần di sản nhà, đất, xe, hợp đồng góp vốn, giấy chứng nhận vốn góp,… sẽ liên quan đến thủ tục thế chấp, thủ tục đăng bộ sang tên khiến chúng ta phải kéo dài thêm thời hạn để giải quyết việc phân chia di sản.
Vấn đề đặt ra nữa là; nếu những người thừa kế không phân chia thì có sao không? Câu trả lời là pháp luật không bắt buộc vấn đề này, nhưng pháp luật có quy định về thời hiệu để phân chia mà hết khoảng thời gian đó thì sẽ không còn quyền yêu cầu phân chia nữa.
Thứ nữa là: tôi không muốn nhận di sản của người thân để lại thì sao? Xin phép trả lời luôn là được quyền khước từ, tuy nhiên phải thể hiện thông qua bằng văn bản để minh thị cho sự khước từ đó.
Thứ nữa là: nếu tôi đang ở nước ngoài thì có được hưởng di sản không? Xin phép trả lời luôn là được hưởng, nhưng phải bay về Việt Nam hoặc làm uỷ quyền về cho người ở Việt Nam đại diện giải quyết.
Vấn đề giải quyết liên quan đến di sản và các quan hệ pháp lý liên quan đến di sản hay kế thừa, thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người chết liên đới với các hợp đồng được xác lập trước đó đôi khi lại rất đơn giản nhưng có lúc lại cực kỳ phức tạp. Cả hai vấn đề này đều cùng tồn tại trên cơ sở lòng người. Chỉ cần ông bà cha mẹ con cháu hiếu thuận, không tranh chấp, tranh giành lẫn nhau, thì hồ sơ thủ tục dù có khó đến đâu cũng trở nên dễ dàng, ngược lại chỉ một người trong hàng thừa kế không đồng ý từ đó phát sinh mâu thuẫn thì sự việc có thể kéo dài 3 đến 5 năm thậm chí là lâu hơn vì phải trải qua rất nhiều thủ tục lẫn quá trình tố tụng. Và điều buồn nhất đọng lại trong quá trình hành nghề của chúng tôi là nhìn thấy anh em trong một gia đình “nồi da nấu thịt, tứ tán bốn phương” dù cho họ giành được phần di sản hay mất đi phần di sản mà nghĩ rằng đấy là của mình.
Có thể thấy rằng lĩnh vực thừa kế là một trong những mảng pháp lý không kém phần phức tạp. Nó đòi hỏi người Luật sư bên cạnh am tường pháp luật, còn phải biết nắm bắt tâm lý của các bên trong quan hệ thừa kế. Trong một số trường hợp Luật sư bất đắc dĩ trở thành “trọng tài viên” phân xử giải thích cho đôi bên, cũng có thể là một “nhà tâm lý học” để động viên khích lệ các bên tìm lại tiếng nói chung, nhưng cũng không loại trừ trường hợp Luật sư trở thành nạn nhân của bên còn lại.
Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây Nguyên chuyên hỗ trợ pháp lý tất cả các vấn đề liên quan đến mảng thừa kế một cách cẩn trọng, mẫn cán, chuyên sâu và chuyên nghiệp!
Quý anh chị có nhu cầu liên hệ theo đường dây nóng:
Hotline: 0939281829 Luật sư Ngô Việt Bắc
Email: lssaigontaynguyen@gmail.com
ĐT: 02838 172 712
Fax: 02838 172 711
Website: vnluat.vn
Trân trọng!
Luật sư Ngô Việt Bắc