Những ngày qua, dư luận rất phẫn nộ khi xem clip và thông tin vụ việc chị B.T.N. (37 tuổi, trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) đang làm việc trong bếp nhà hàng bất ngờ bị một đối tượng nam hắt acid vào mặt. Đã có rất nhiều vụ ra tay nhẫn tâm như thế nhưng chưa bị xử lý thích đáng, không đủ để răn đe những kẻ thủ ác.
Tỉnh dậy trong bệnh viện với khuôn mặt biến dạng, 2 cánh tay cũng bị ảnh hưởng, chị B.T.N. càng đau đớn hơn khi bác sĩ thông báo mắt trái có thể bị mù. Suốt những ngày qua, chị không thể chợp mắt vì đau rát, và vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi.
Hành vi tạt acid vào người khác là hành vi cực kỳ tàn độc, không chỉ xâm hại sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của nạn nhân bởi acid có tính sát thương rất cao, làm ảnh hưởng đến nhan sắc, đời sống sinh hoạt của nạn nhân, nặng hơn có thể bị mù, thành người tàn phế.
Theo luật sư Ngô Việt Bắc, Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây Nguyên, hiện nay, các vụ án tạt acid đều bị xử phạt theo tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với hành vi tạt acid vào người khác, không cần phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật trên hay dưới 11% mới truy cứu trách nhiệm hình sự thủ phạm. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân dưới 30% thì người thủ ác sẽ phải chịu mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân càng tăng thì mức phạt tù cũng tăng dần theo. Theo đó, tùy thuộc vào mức độ tỷ lệ tổn thương cơ thể do hành vi tạt acid gây ra đối với nạn nhân mà người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 14 năm, nếu là một nạn nhân. Trong trường hợp hành vi tạt acid gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên, thì mức phạt cao nhất mà thủ phạm phải nhận là tù chung thân.
Theo luật sư, thực ra, tội danh này có khung hình phạt cũng nặng, cao nhất là chung thân, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp: làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134.
Luật sư Ngô Việt Bắc nói: “Trong thực tiễn, nhiều vụ án xảy ra, tuy hậu quả không dẫn đến chết người nhưng thương tích trầm trọng đã để lại những biến chứng vô cùng nghiêm trọng cho nạn nhân, cuộc đời họ rơi vào bế tắc, làm liên lụy đến nhiều người thân, công việc cũng bị ảnh hưởng bởi bề ngoài bị tàn phá này. Có thể nói, với những hậu quả từ acid, họ sống không bằng chết; thậm chí, có một số trường hợp không vượt qua được nỗi mặc cảm mà phải tìm đến cái chết. Chính vì vậy, cần thiết phải xử lý thật nghiêm đối với hành vi tạt acid gây thương tích, có thể áp dụng tội danh “Giết người” trong các vụ án loại này thì mức hình phạt mới được xem là tương xứng với hậu quả mà các nạn nhân phải gánh chịu. Với độ đậm đặc của acid và lượng acid không giới hạn cũng như vị trí tạt trên người nạn nhân (đầu, mặt và các vị trí khác) thì việc họ còn sống là nhờ sự tiến bộ của khoa học, chứ không phải từ ý thức người phạm tội muốn để cho nạn nhân sống”.
Hiện nay, việc xác định yếu tố để cấu thành tội “Giết người” hay tội “Cố ý gây thương tích” của hành vi tạt acid này phần chính dựa vào ý thức của thủ phạm là chưa hợp lý và thích đáng. Đồng thời, với nguyên tắc xét xử theo hậu quả, nạn nhân không chết nên chỉ xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”, điều này là không công bằng đối với nạn nhân. Ngoài ra, trong khi các nạn nhân của những vụ tạt acid vẫn sống trong đau khổ, có người gần như bị hủy hoại cả cuộc đời thì thứ hóa chất chết người vẫn đang được mua bán thiếu kiểm soát. Đây cũng là một kẽ hở trong quản lý xã hội, tạo điều kiện cho cái ác ngang nhiên tồn tại.
Gửi bình luận