Cơn mưa Sài Gòn chiều tháng 8 dường như muốn đùa cợt với dòng đời vội vã. Các cô cậu học trò đội mưa đi về trong tiếng cười rôm rã. Những hạt mưa xen lẫn vào nhau như mắc cửi, bà mẹ già gánh hàng rong băng qua đường, anh công nhân vội vã vào ca. Cái cảnh sống tấp nập ấy mỗi người một vẻ cứ bình lặng trôi qua từng ngày. Nhưng ngày hôm nay khác hơn chút xíu,khicó tiếng nẹt bô xe trên vỉa hè của những chiếc xe máy vừa cố gắng vượt qua đoạn đường ngập phía trước rồi hòa lẫn vào dòng người tấp nập.
Đó là những dấu hiệu sự ảnh hưởng của ngày mưa cơn bão số 10 năm 2013 có tên quốc tế là “Wutip”xảy ra vào những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua. Chiều lại cũng là lúc mà tôi có thời gian ngồi tranh thủ xem các thông tin trong ngày như mọi ngày, nhưng hôm nay tôi dành tất cả theo dõi hết đường đi, cấp độ và dự báo hướng bão đổ bộ vào đất liền, tâm bão nằm ở đâu. Chắc có lẽ những người con miền Trung như tôi đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên ở Bình Trị Thiên nay là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cùng có chung cảm giác lo lắng như tôi. Và cũng không ít người trong số đó liên tục theo dõi và cập nhật những thông tin cơn bãosố 10.
Sài Gòn ngày hôm đó chỉ là tác động từ cơn bão thôi, nhưng đường đã ngập mưa và gió đã giật mạnh hơn ngày thường.
Thời sự buổi tối hôm bão vào (ngày 30/9/2013) tất cả thời sự đều ưu tiên cho công tác dự báo và phòng chống bão, một Ban phòng chống lụt bão Trung ương khẩn cấp được thành lập, trực tiếp đặt tại thành phố Đà Nẵngdự báo cơn bão này rất mạnh. Bữa cơm tối ngày hôm đó tôi dường như không còn cảm giác ăn bởi cảm giác sự lo lắng khi hay tin bão đổ bộ trực tiếp vào miền Trung, tâm bão nằm ở tỉnh Quảng Bình, gió giật mạnh cấp 12 tâm bão đi qua giật cấp 14. Cấp 12 giật cấp 14 có lẽ chỉ người trong nghề dự báo khí tượng thủy văn mới hiểu hết mức độ nguy hiểm của nó như thế nào, nhưng tôi có cảm nhận riêng của mình, ngày còn bé ở nhà nghe báo bão gió giật cấp 8 cấp 9 là khủng khiếp lắm rồi, giờ này mà giật cấp 12 lên đến cấp 14 thì có lẽ sẽ còn tàn khốc đến nhường nào.
Thời gian dần trôi, lúc đó tôi điện thoại cho ba chừng khoảng 2 giờ sáng ngày hôm sau. “Alo con đó à? Bão vào nhà mình rồi, mạnh lắm, mạnh như B52 bắn, cây cối gãy đổ hết rồi. Tôi hỏi ba mẹ có sao không, ba nói ba mẹ không sao, nhà thì chỗ nào cũng ướt, cây đào trước nhà sập xíu nữa là đè lên nốc nhà, xung quanh nhà hàng xóm tốc mái hết rồi con à, ba còn nghe nói ở xóm dưới có nhà sập hoàn toàn rồi. Bão mạnh dữ quá.” Và rồi cả đêm đó không ngủ, ruột gan nóng cồn cào, mong cho bão sớm tan, tôi thầm nguyện cầu cho cha mẹ tôi và bà con hàng xóm đều bình an.
Ngày mai là một ngày tiếp tục bão quần xé mảnh đất miền Trung nhỏ hẹp, tin tức thời sự liên tục đưa tin đặc biệt là những trang báo mạng nên tôi liên tục được cập nhật về mức gió, lượng mưa, sự tàn phá của bão. Số lượng nhà sập, số lượng cây gãy đổ, số lượng người chết. Tất cả những hình ảnh cứ liên tục hiển thị trên các trang báo mạng với con số tăng liên tục.
Lúc này, lòng tôi gần như thắt lại, chỉ cầu mong cho quê mình mạnh mẽ hơn để đủ sức vượt qua cơn bão số 10 lần này. Tôi gần như không cầm được nước mắt khi thấy những mái nhà tốc chỉ còn trơ khung, bà mẹ già đang ngủ không thức dậy vì ngôi nhà sập đổ hoàn toàn và đưa bà đi mãi vào giấc ngủ. Hai cô giáo trên đường đi dạy về bị lũ cuốn trôi, một cô có hai con nhỏ chưa đầy 5 tuổi, một cô đang mang thai ở tháng thứ 5. Là người con miền Trung tôi cảm nhận rất rõ sự ác liệt và mức tàn phá của bão như thế nào.
Theo thống kê từ báo đài, Quảng Bình là trung tâm cơn bão, theo thống kê bước đầu đã có 5 người chết, 180 người bị thương, 345 căn nhà bị sập hoàn toàn, 156.517 nhà bị tốc mái, hơn 238 ha lúa bị hư hại ước tỉnh tổng thiệt hại lên đến 8.000 tỷ đồng, đó thực sự là một con số khủng khiếp. Đúng như ba tôi nói bão có sức tàn phá mạnh như boom B52.
Xót lòng nhìn quê hương tan tác sau cơn bão lịch sử, những cái chết đau lòng, những mái nhà tan hoang, trường học đóng cửa… , để rồi trái tim tôi quặn thắt và chỉ biết nấc nghẹn: “ôi quê tôi”.
Là thế hệ trẻ của đất nước, bản thân tôi cùng các thanh niên Việt Nam, và tầng lớp tri thức trẻ nhận thức được trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với nơi chôn ra cắt rốn, nơi chúng ta đã sinh ra và lớn lên, và tôi – một trong những người con của quê hương miền Trung, chứng kiến cảnh quê hương mình như vậy tôi không thể cầm lòng được. Biến đau thương thành hành động. Một tuổi trẻ của nhiệt huyết, tuổi trẻ của sự sẽ chia, tôi đã chuyển tất cả thông tin, sự mất mát và đau thương ấy lên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, Ban Công Đoàn, Đoàn Thanh Niên, Câu lạc bộ nữ luật sư, điều làm tôi thật sự bất ngờ là không phải chỉ riêng tôi là người theo dõi sát sao những diễn biến và ảnh hưởng của bão đối với đồng bào miền Trung mà tất cả Ban chủ nhiệm, đoàn thể, luật sư, người tập sự hành nghề luật sư đều có chung một tấm lòng hướng về miền Trung ruột thịt với mong muốn hỗ trợ phần nào cho người dân nơi đây có thêm nghị lực vượt qua những mất mát đau thương sau cơn bão.
Trải qua 20 ngày huy động, Đoàn luật sư Tp.HCM đã vận động được hơn 120 triệu tiền mặt, 2.000 bộ quần áo, gần 2.000 cuốn tập, 200 cây viết, 1,5 tấn gạo, 100 thùng mì và nhiều mùng mền vật dụng cá nhân khác.
Với mục tiêu chuyển trọn vẹn tấm lòng sự sẽ chia đến đúng nơi đang cần, đúng người đang thiếu. Đoàn cứu trợ nhanh chóng được thành lập. Với dự kiến ban đầu thành viên đoàn là 20 người, di chuyển bằng chiếc xe 45 chỗ nhưng bằng tính toán, kinh nghiệm sau nhiều năm tham gia làm tình nguyện ở nhiều mặt trận trong nước và nước ngoài thông qua chương trình Mùa hè xanh mỗi năm. Chúng tôi quyết định tinh gọn đội ngũ, linh động phương tiện di chuyển, chuyển từ chuyến xe 45 chỗ sang di chuyển bằng xe tốc hành, đội hình từ 20 người rút xuống còn 6 người gồm: luật sư Phan Thị Liễu, luật sư Hà Hải, luật sư Lê Thị Vân, tập sư Đặng Thị Ánh Nguyệt và tôi Nguyễn Việt Bắc, bằng hành động quyết định linh hoạt này khoản tiền thay vì dùng để đổ xăng cho chuyến xe 45 chỗ chạy xuyên suốt hành trình được chúng tôi tiết kiệm và dùng nó mua thêm được một tấn gạo để trao cho bà con vùng bão.
Đúng theo kế hoạch và lịch trình được phê duyệt, Đoàn chúng tôi di chuyển bằng xe tốc hành đúng trưa ngày 24 -10 chúng tôi có mặt tại mảnh đất Quảng Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão vừa qua.Quang cảnh trước mặt chúng tôi là hàng cột điện kéo dài gần một kilomet quỳ rạp xuống cánh đồng như những thân cây bị bẻ gãy làm đôi.Những cánh đồng trắng xóa, những ngôi nhà tan hoang. Tất cả còn sót lại sau cơn bão chắc có lẽ là tình người.
Ăn vội bữa cơm trưa, ngay chiều ngày 24-11-2013 Đoàn chúng tôi có mặt tại xã Thuận Đức, TP.Đồng Hới để làm công tác cứu trợ. Tại đây chúng tôi đã trao hơn 42 phần quà mỗi phần quà gồm một chiếc chăn ấm và một chiếc màn tuyn được anh em chúng tôi mua từ trong TP.HCM vận chuyển ra. Và trao thêm cho ba gia đình có nhà bị tốc mái mỗi hộ 1.000.000 đồng. Tại đây khi chứng kiến hai em nhỏ với đôi mắt thoảng thốt, người em đứng trước cửa mân mê đôi tay, còn người anh thì chạy tung tăng quanh di ảnh mẹ. Theo lời ông Nguyễn Duy Văn – Chủ tịch xã thì “mẹ của hai em là giáo viên trên đường đi dạy về đã bị dòng nước lũ cuốn trôi, phải mấy ngày sau mới tìm ra thi thể, chị đi để lại hai cháu cháu lớn 4 tuổi và cháu nhỏ 3 tuổi”. Có lẽ, các cháu còn quá nhỏ, chưa cảm nhận được nỗi đau thương và mất mát quá lớn này, rồi đây khi bước trên đường đời tấp nập, trong hành trang để vào đời, các cháu nhỏ sẽ thiếu vắng đi tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ. Nghĩ đến đây,Đoàn chúng tôi ai cũng nghẹn ngào ngấn lệ.Thay mặt tất cả các anh em, chúng tôi thắp lên nén nhang để cầu cho linh hồn chị sớm được siêu thoát.
Đúng kế hoạch, trong buổi chiều ngày hôm đó chúng tôi đã trao tận tay 1.000 quyển tập và 100 cây viết cho các em vùng lũ nơi đây với mong muốn giúp các em sớm trở lại việc học còn dang dở sau bão lũ.
Tiếp tục cuộc hành trình trong buổi chiều ở mảnh đất miền Trung êm ả hơn 1.300 km di chuyển liên tục bằng xe ô tô nhưng dường như cái cảm giác mệt mỏi trong mỗi chúng tôi đều bị xua tan bởi nghĩa cử và hành động của mình. Khi màn đêm dần buông xuống cũng là lúc chúng tôi kết thúc chặng đầu tiên của hành tình cứu trợ với nụ cười trên môi mỗi thành viên, vì đâu đó trên mảnh đất nơi chúng tôi đến sẽ không còn lo sự lạnh giá và cái ăn cái mặc của những ngày sắp tới.
Bình minh thức dậy những tưởng rằng tất cả thành viên của đoàn ai cũng uể oải vì cường độ làm việc liên tục nhưng ngược lại mọi người đều thức dậy thật sớm, chúng tôi tiến hành di chuyển hơn một tấn gạo lên xe, xếp chăn mùng cứu trợ, chuẩn bị tiền để đến với bà con xã Sơn Trạch, huyện Bố trạch theo đúng kế hoạch trong hành trình cứu trợ ngày thứ hai.
Vùng đất Quảng Bình nơi thiên tai khắc nghiệt với những giồng thác lũ đổ về cuốn theo nó là nỗi mất mát và sự tang thương, nhưng cũng trao cho nó cái vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Xã Sơn Trạch Huyện Bố Trạch chính là xã nằm trọn trong vườn quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng nơi chứa đựng những nét đẹp thiên nhiên kì vĩ được ví như thiên đường bởi hệ thống hang động cổ xưa, với những hóa thạch hình thành với trên 1000 năm tuổi. Mảnh đất nơi đây được thế giới phong tặng là Di sản thiên nhiên thế giới. Thời điểm đoàn chúng tôi đến, nước bên dòng sông Son đã rút, trở lại dòng chảy hiền hòa như xưa, những du khách du lịch bắt đầu đến để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng và hang động nơi đây. Bình thường dòng sông uốn lượn như một dải lụa mềm mại nhưng ngày lũ theo bà con nơi đây thì dòng sông trở nên hung dữ lạ thường, nước sông dâng cao 3 đến 4 mét, dâng ngập hết cả nóc nhà, cuốn trôi toàn bộ vật dụng. Khi chúng tôi đến rất nhiều ngôi nhà chỉ còn lại bát nhang nằm trên bàn thờ, nhìn lên trên mái nhà chỉ còn sót lại đôi đòn tay, mái nhà giờ đây chỉ còn lại là ánh nắng trời. Tại xã Sơn Trạch, Đoàn chúng tôi trao hơn 100 phần quà mỗi phần quà gồm 10 kg gạo, một bộ chăn mền, và 200.000 đồng tiền mặt, dẫu rằng rất nhỏ so với những mất mát mà người dân nơi đây phảichịu nhưng chúng tôi hi vọng rằng với tấm chân tình, sự sẻ chia để phần nào giúp bà con sớm lấy lại tinh thầnvượt qua những mất mát sau cơn bão vừa qua.
Một hành trình dài liên tục, nhưng từ ngày xuất phát cho đến giờ phút này các thành viên trong Đoàn ai cũng đầy “sung mãn” mỗi người tự thưởng cho mình một sự cảm nhận, một niềm hạnh phúc riêng. Kết thúc hành trình cứu trợ ngày thứ hai, Đoàn chúng tôi trở về lại thành phố chuẩn bị hàng hóa cho hành trình cứu trợ ngày thứ ba.
Ngày hôm nay (ngày 26 – 10 – 2013) thời tiết có vẻ se lạnh hơn so với hai ngày đầu khi chúng tôi đặt chân đến nơi đây. Mỗi thành viên trong Đoàn ai cũng đều đã thức dậy từ rất sớm, tất cả đều xác định được rằng địa bàn mà ngày hôm nay chúng tôi làm công tác cứu trợ là địa bàn xa trung tâm nhất, và là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão. Tất cả thành viên của Đoàn ai cũng lên giây cót cho hành trình cứu trợ ngày hôm nay. Chuyến xe rời trung tâm thành phố đưa đoàn chúng tôi đến địa phận xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch lúc 8 giờ sáng. Đập vào mắt chúng tôi là hàng dài những đoàn xe cứu trợ đến từ mọi nơi trên đất nước. Thế mới thấy tấm lòng của người dân Việt Nam chúng ta với tinh thần tương thân tương ái, với tinh thần “lá lành đùm lá rách” tất cả làm nên cái vốn quý của dân tộc trong chuyến hành trình này giúp tôi cảm nhận rõ hơn điều đó.
Theo lời chủ tịch xã nơi đây thì nước dâng rất cao, hầu như tất cả nhà dân nơi đây đều bị tốc mái, cả xã có 4 người chết trong đó đáng thương nhất là trường hợp bà cụ già 80 tuổi trong giấc ngủ cũng là khi bão đến bão đã đánh sập hoàn toàn ngôi nhà của cụ và đưa cụ ra đi vĩnh viễn. Cách đó không xa là ngôi nhà của hai vợ chồng khi bão vào đánh sập toàn bộ căn nhà người vợ chết ngay tại nhà, người chồng đưa vào bệnh viên trung ương Huế cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi. Đáng thương nhất là trường hợp gia đình có người chết, nước ngập cánh đồng nên không có chỗ chôn, áo quan nổi lềnh bềnh trôi mất khiến cả gia đình chết lặng, cũng may sau đó giành lại được từ dòng nước lũ. Sống khổ rồi, nhưng khi chết cũng chưa được bình yên. Cái khổ của người dân nơi đây có lẽ khó có thể dùng câu từ để miêu tả hết được. Bằng tấm lòng và sự sẽ chia, chúng tôi đến với bà con nơi đây gửi vào đó lòng yêu thương, sự chia sẽ. Tại đây Đoàn đã trao hơn 100 phần quà mỗi phần quà trị giá 500.000 ngàn đồng và 200.000 ngàn đồng tiền mặt đi kèm. Tuy giá trị không nhiều nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi phần nào đó được chung vai chia sẽ cùng những khó khăn mất mát với bà con nơi đây.
Kết thúc chuyến hành trình kéo dài 6 ngày liên tục, chứng kiến những cảnh đời bất hạnh, sức tàn phá khốc liệt của thiên nhiên, chúng tôi cảm nhận được giá trị của cuộc sống của sự sẽ chia, giờ đây nó thấm vào mỗi thành viên của đoàn như là một phương châm sống “biết cảm nhận và sẽ chia, biết quan tâm không hờ hững sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng”. Chúng tôi hy vọng những phần quà chúng tôi trao trực tiếp cho bà con nơi đây sẽ phần nào đó giúp bà con nơi đây vững tin hơn để vượt qua những mất mát đau thương, dẫu biết rằng nó không đủ để giúp bà con khắc phục được những mất mát quá lớn sau bão nhưng dù sao cũng nguôi ngoai được phần nào những thiệt hại quá lớn đó. Một lần nữa chúng tôi và cả dân tộc Việt Nam khẳng định rằng: đồng bào miền Trung nói riêng và người dân ở những nơi khó khăn khắc nghiệt nói chung sẽ không và mãi không bao giờ đơn độc trên hành trình chống chọi với thiên tai, bởi bên cạnh họ luôn có những tấm lòng sẵn sàng sẻ chia, những con người giàu lòng trắc ẩn, luôn xem đó là trách nhiệm của mình, trong đó luôn thường trực và hiện hữu những luật sư, người tập sự hành nghề luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM.
Dù vẫn còn đâu đó những lo toan, gánh nặng của người dân miền Trung đang cố gắng gồng mình vượt qua cơn bão. Với tấm lòng của mình Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh hy vọng đây sẽ là một mồi lửa thắp lên những ngọn lửa của tình người, những ngọn lửa của sự bao dung, chia sẽ để nhân rộng hơn nữa những tấm lòng nhân ái, góp phần nhỏ bé giúp người dân miền Trung sớm lấy lại tinh thần sau bão, mạnh mẽ và vững tin hơn để sống để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của cha ông không gục ngã, chùn bước trước sựkhắc nghiệt của thiên nhiên.
Nhân đây, Đoàn luật sư chúng tôi xin gửi tới Quý đồng nghiệp, người tập sự hành nghề luật sư, cácthân chủ, doanh nghiệp, cá nhân, các mạnh thường quân – những người đã ủng hộ cả vật chất và tinh thần giúp chúng tôi hoàn thành chuyến đi một cách tốt đẹp, xin nhận từ chúng tôi sự tri ân sâu sắc và lời cảm ơn chân thành nhất.
Luật sư Ngô Việt Bắc
Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây Nguyên – Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh
Gửi bình luận